4 tư thế yoga giúp “tút tát” lại vòng 1 khiêm tốn và chảy xệ nhanh chóng

Nếu bạn muốn sở hữu vòng 1 săn chắc, đầy đặn và quyến rũ thì không nên bỏ qua 4 tư thế yoga tuyệt vời này nhé!

  1. Tư thế chiến binh

Tư thế yoga chiến binh (Virabhadrasana) này có tác dụng cải thiện và giúp máu lưu thông đi khắp cơ thể, chữa đau lưng, giảm stress, đau bụng, nhức mỏi trong ngày “đèn đỏ” và đặc biệt là rất tốt cho vòng 1.

Cách thực hiện:

Đứng thẳng người và mặt hướng về phía trước, dang 2 chân ra cách nhau 1 – 2m (tùy mỗi người). Cơ thể của bạn vẫn giữ hướng về phía trước, xoay bàn chân phải hướng ra ngoài so với góc ban đầu (lệch khoảng 90 độ), chân bên trái thì xoáy theo 1 góc 15 độ để giữ vững tư thế đứng. Dù chân của bạn đã xoay nhưng mặt và hông vẫn hướng về phía trước như ban đầu nhé!

Hít một hơi thật sâu, sau đó giơ 2 tay lên ngang vai và giữ cho tay thẳng, tiếp theo xoay người qua bên phải, 2 tay cũng xoay theo nhưng vẫn giữ tay thẳng. Co gối phải tạo thành góc vuông 90 độ, sao cho đùi song song với sàn nhà, khi đó chân trái của bạn hơi khụy xuống nhưng vẫn phải thẳng đồng thời hạ hông xuống, đổ lực dồn xuống đôi chân đặc biệt là chân phải đang đứng trụ.

Lúc này mặt của bạn đã xoay và hướng qua bên tay phải nhưng lưng vẫn phải được giữ thẳng. Hít thở sâu để giữ tư thế này trong khoảng thời gian từ 10 – 20 giây bạn nhé!

Hãy lặp lại động tác này từ 4 – 5 lần để cảm thấy có sự thay đổi. Thở ra, sau đó thẳng chân, xoay người về hướng ban đầu, thả tay xuống, khép chân lại và khom người về phía trước khoảng 30 độ để thư giãn, lấy lại sức lực nhanh chóng.

  1. Tư thế tam giác

Tư thế tam giác (Trikonasana) sẽ tác động tới các cơ bắp, cải thiện các cơ quan vùng bụng, tăng cường độ dẻo dai của cột sống, hông và chi dưới. Động tác này còn giúp giảm căng thẳng, kích thích năng lượng đến các cơ quan nội tạng.

Cách thực hiện:

Ðứng thẳng, hai chân dạng ra thoải mái tạo thành một góc 45 độ. Quay bàn chân trái một góc 45 độ rồi quay tiếp bàn chân phải một góc 90 độ, sao cho gót chân phải thẳng hàng với phần giữa của bàn chân trái. Hít thật sâu vào đồng thời nâng hai tay ngang vai, lòng bàn tay úp xuống. Hai tay và vai thư giãn thoải mái.

Nhích đùi về bên trái và duỗi phần thân trên về bên phải. Thở ra đồng thời đặt lòng bàn tay phải lên sàn, phía bên ngoài bàn chân phải. Nếu không thể với xuống sàn được thì có thể đặt lên chân thấp hơn. Duỗi tay trái lên phía trần nhà, lòng bàn tay hướng ra phía trước, giữ cho vai trái ngửa ra sau. Tiếp theo là quay đầu nhìn lên tay trái, giữ cho xương sống thẳng và thư giãn. Giữ tư thế từ 10 – 30 giây. Hít vào và trở về thế đứng thẳng. Làm ngược lại về phía bên phải.

  1. Tư thế rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana) có tác dụng giảm đau lưng, thoát vị đĩa đệm, giúp săn chắc cơ lưng, tăng khả năng tiêu hóa, giảm tình trạng hen suyễn, xoa dịu nhiều chứng bệnh liên quan đến tử cung, buồng trứng và kinh nguyệt của phụ nữ.

Cách thực hiện:

Nằm úp trên mặt thảm, hai tay co lại, lòng bàn tay úp xuống thảm. Khụy nhẹ cùi chỏ., lồng ngực mở, vai thả lỏng.

Hít sâu, thở ra và đẩy ngửa người về phía sau. Giữ tư thế này và thở tự do.

  1. Tư thế cái cung

Tư thế cái cung (Dhanurasana) thực hiện bằng cách mở rộng vai, cổ và ngực. Động tác này giúp ngực săn chắc, giảm táo bón và khó chịu trong thời gian kinh nguyệt, làm săn cánh tay và chắc chân, tốt cho bệnh thận, suyễn và các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.

Cách thực hiện:

Nằm sấp, hai tay duỗi dọc theo chiều cơ thể. Từ từ gập 2 đầu gối, 2 tay đưa về phía sau, kéo lấy cổ chân đồng thời hít vào, ngực nâng lên khỏi mặt đất. Mặt hướng về phía trước, đông thời thư giãn cơ mặt.

Giữ tư thế ổn định, chú ý là phải tập trung vào hơi thở của mình. Hai tay giữ chặt lấy cổ chân sẽ kéo ngực lên và tạo nên thế thăng bằng, toàn cơ thể uốn cong và căng như cây cung. Tiếp tục hít thở sâu trong khi thư giãn với tư thế này, giữ như vậy trong khoảng 15 – 20 giây, bạn thở ra sau đó nhẹ nhàng thả tay, đưa chân và ngực xuống đất, giải phóng cổ chân và thư giãn.

Không nên tập tư thế này nếu bạn đang gặp phải tình trạng huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, thoát vị, đau lưng dưới, đau đầu, đau nửa đầu,  chấn thương cổ, phẫu thuật bụng gần đây. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai không nên thực hiện tư thế này.

Trả lời