Vì sao nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm có chứa Hydroquinone?

Hydroquinone vốn được nhắc đến là một “chất vàng” giúp làm trắng da và điều trị nám hiệu quả nhưng tại sao vẫn bị ngăn cấm sử dụng tại nhiều nước. Hãy tham khảo bài viết này để biết được sự thật nhé!

Hydroquinone được sử dụng trong điều trị nám da vì có khả năng ức chế enzyme tyrosinase (1 yếu tố quan trọng trong việc gia tăng hắc sắc tố melanin trên da), khi ức chế được tyrosinase sẽ kiểm soát được sản sinh hắc tố da từ đó hạn chế được nám lại làm trắng da nhanh chóng. Thực tế cho thấy từ những năm 1982, Hydroquinon đã được cục FDA chứng nhận và trở thành một trong những giải pháp điều trị nám và tàn nhang hiệu quả nhưng ở thời điểm hiện tai việc sử dụng Hydroquinone cũng còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Những tranh cãi xung quanh vấn đề an toàn của hydroquinone

Cơ chế hoạt động của Hydroquinone

Theo FDA, năm 1982, hydroquinone có nồng độ dưới 2% được đánh giá là an toàn khi sử dụng. Nhưng đến 2006 FDA lại đề nghị rút lại công bố từ 1986 về độ an toàn của hydroquinone, sau một số nghiên cứu cho rằng hydroquinone thẩm thấu qua da gây nên một số bệnh lý ở gan và thận của chuột.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng hydroquinone có khả năng gây nên các biến đổi bệnh lý ở người, do vậy hiện chưa có kết luận chính thức nào từ FDA.

Trong năm 2006, Viện Da liễu Hoa Kỳ kiến nghị với FDA rằng hydroquinone nồng độ 4% sử dụng dưới sự kiểm soát của bác sĩ là an toàn và có hiệu quả trong việc điều trị các rối loạn tăng sắc tố da (mà trong thực tế thì bất cứ sản phẩm nào có chứa hydroquinone trên 2% bạn đều phải đến bác sĩ chứ không còn là việc mình tự quyết nữa rồi).

Theo báo cáo gần nhất của Cosmetic Ingredient Review (CIR) vào năm 2014, nồng độ an toàn cho phép của Hydroquinone trong mỹ phẩm là từ 1% trở xuống nhưng không được dùng liên tục trong một thời gian dài. Cũng theo báo cáo này, kể cả với nồng độ và cách dùng như vậy thì hydroquinone cũng chỉ an toàn khi sử dụng ở những dạng mỹ phẩm không lưu lại lâu trên da (như các sản phẩm tẩy rửa chẳng hạn). Ngoài ra, trong các sản phẩm chăm sóc móng thì hydroquinone vẫn được ghi nhận là an toàn.

Theo FDA, hydroquinone nồng độ 2% được cho là an toàn và có tác dụng trong việc điều trị rối loại sắc tố (nguồn ảnh: internet)

Ở Châu Âu, hydroquinone chỉ được dùng trong các sản phẩm sơn móng tay, tuy nhiên với nồng độ rất thấp, tối đa là 0,02% và không được phép có mặt trong các sản phẩm chăm sóc tóc, da.

Độ an toàn của hydroquinone qua các báo cáo có xu hướng giảm dần và thái độ dè chừng của FDA chính là lý do khiến cho lượng sản phẩm chứa hydroquinone sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, FDA chưa cấm tuyệt đối, có nghĩa là vẫn còn sản phẩm được phép lưu hành, và nếu đặt niềm tin vào FDA, hydroquinone vẫn còn là một sự lựa chọn cho làn da của bạn nhưng sử dụng với liều lượng như thế nào thì mời bạn đọc tiếp những dòng dưới đây để có thể lưu ý kĩ hơn khi quyết định sử dụng mỹ phẩm chứa loại chất đặc biệt này nhé!

Vậy Hydroquinone có gây hại gì cho da hay không?

Hydroquinone (4%), mặc dù được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị nám sạm da trong 8 tuần. Tuy nhiên theo tiến sĩ Audrey Kunin, Hydroquinone không nên sử dụng trong thời gian dài hơn 8 tuần vì có thể gây mỏng da, khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, dễ gây ra lão hóa da.

Lạm dụng Hydroquinone sẽ khiến mỏng da, da nhạy hơn với ánh sáng và dễ bị Ochronosis (đổi màu da vĩnh viễn)

Sử dụng Hydroquinone như thế nào là an toàn?

1. Tần suất sử dụng: 1-2 lần/ngày

Nên test thử trước khi sử dụng trực tiếp bôi lên mặt. Tốt nhất là nên bôi ở những vùng da có cấu tạo gần giống với da mặt (có thể là vùng quai hàm, cằm, mu bàn tay,…) nếu trong 24h bôi vùng da không gặp bất kì phản ứng nào khác lạ có thể tiếp tục sử dụng, còn nếu xuất hiện tình trạng đỏ, ngứa, nóng, rát,…thì tốt nhất là nên ngưng dùng.

2. Dùng 4 tháng, ngưng 4 tháng:

Đây là cách để khắc phục chứng ochronosis, một triệu chứng da bị thay đổi sắc tố do sử dụng hydroquinone trong thời gian dài, biểu hiện bằng những mảng da trở nên xanh tím, hoặc trắng loang lổ do mất sắc tố và tình trạng này rất khó hồi phục.

Hydroquinone có xu hướng làm mỏng da, da nhạy hơn với ánh sáng và dễ bị Ochronosis (đổi màu da vĩnh viễn)

3. Không dùng chung với resorcinol

Resorcinol là một chất sừng nhẹ, thường được dùng trong các sản phẩm trị mụn và thuốc nhuộm tóc. Sử dụng Resorcinol và Hydroquinon sẽ làm da bị xanh tím, nám da.

4. Không dùng chung với benzoyl peroxide hay bất cứ sản phẩm nào có khả năng cung cấp oxy

Oxy khi kết hợp với hydroquinone sẽ nhuộm màu da tức thời, cách xử lí trong trường hợp này là rửa sạch da với nước sạch hoặc xà phòng.

5. Tránh bôi hydroquinone ở những vùng da quanh mắt, miệng hay niêm mạc.

6. Luôn luôn chống nắng khi dùng hydroquinone

Bôi một lượng kem chống nắng lên vùng da mặt, để có hiệu quả tốt nhất nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên. Hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng gay gắt là điều cần thiết khi sử dụng kem bôi chứa Hydroquinone.

7. Sử dụng sản phẩm có chức năng gần như tương tự

Có thể sử dụng tới hợp chất của vitamin C, Arbutin, Azelaic acid, Retinol hay niacinamid,…nếu trường hợp tất cả những chất trên đều vô tác dụng mới nghĩ đến trường hợp sử dụng hydroquinone.

Các dòng sản phẩm chứa Hydroquinone không cần toa bác sĩ như: Murad Post-Acne Lightening Gel, HQ Skin Lightening Neostrata, NEOVA Complex HQ Plus,…

Hy vọng bài viết này thực sự hữu ích đối với tất cả các bạn!

Trả lời